Công dụng của kẽm đối với cơ thể trẻ nhỏ

Kẽm là khoáng chất rất quan trọng cho sự phát triển ổn định của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Khi bé thuộc các trường hợp sau, bố mẹ hãy cho con bổ sung kẽm:

  • Kém phát triển, còi xương, suy dinh dưỡng.
  • Có dấu hiệu bị mẩn đỏ, tiêu chảy, dễ nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, suy giảm chức năng miễn dịch.
  • Biểu hiện rối loạn tiêu hoá kéo dài với những dấu hiệu như táo bón, tiêu chảy, đầy bụng, khó tiêu…
  • Khó ngủ, rối loạn giấc ngủ, thường xuyên quấy khóc về đêm.
  • Tổn thương da như viêm da, chàm da, viêm niêm mạc miệng, viêm lưỡi, viêm mé móng…

Tre Uong Kem Co BI Tao Bon Khong Luu Y Khi Bo Sung Kem Cho Be 1 6b51e1d7c8

Kẽm là khoáng chất quan trọng đối với trẻ nhỏ

Trước khi biết được đáp án của thắc mắc trẻ uống kẽm có bị táo bón không thì bạn hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu các tác dụng mà kẽm mang đến cho trẻ nhỏ. Cụ thể, bé được bổ sung kẽm đầy đủ sẽ giúp:

  • Hỗ trợ phát triển chiều cao và cân nặng: Khoáng chất kẽm tham gia vào đa số các phản ứng trong cơ thể, kích thích hình thành collagen tạo nên khung xương chắc khỏe, tăng cường tổng hợp chất đạm, tăng hấp thu các chất, cho con cảm giác ăn ngon miệng. Đây thực sự là vi chất cần thiết trong giai đoạn vàng trưởng thành của trẻ.
  • Tăng cường thị lực cho bé: Trong cơ thể con người, nơi có nồng độ kẽm cao nhất là giác mạc. Vì thế, kẽm là sự lựa chọn lý tưởng để các bé có một đôi mắt sáng khỏe, tinh anh.
  • Chống viêm, hỗ trợ làm lành vết thương: Theo nhiều cuộc nghiên cứu, thủ phạm khiến vết thương chậm lành là cơ thể thiếu kẽm. Những bé hiếu động, thích nô đùa, dễ bị trầy xước chân tay thì rất cần bổ sung đầy đủ kẽm.
  • Tăng cường hệ miễn dịch: Cơ thể đủ kẽm giúp kích thích các tế bào miễn dịch lympho T và lympho B phát triển tốt. Nhờ đó, chúng sẽ tạo nên hệ thống phòng thủ vững chắc hỗ trợ cơ thể chống lại những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.

Giải đáp: Trẻ uống kẽm có bị táo bón không?

Trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên là những đối tượng rất dễ bị thiếu kẽm. Nguyên nhân là do chế độ ăn uống hàng ngày không đáp ứng đủ nhu cầu kẽm mà cơ thể cần. Chính vì thế, bổ sung kẽm cho trẻ là điều thực sự cần thiết. Trên thực tế, đã có không ít trường hợp trẻ uống canxi hoặc sắt gặp tình trạng táo bón. Do đó, câu hỏi trẻ uống kẽm có bị táo bón không được rất nhiều phụ huynh quan tâm.

Các bác sĩ cho biết, uống kẽm không làm cho bé bị táo bón. Lý do là vì kẽm tham gia vào quá trình tổng hợp các enzyme tiêu hoá giúp phân huỷ chất béo, carbohydrate, protein. Chưa hết, kẽm còn làm tăng tổng hợp axit bên trong dạ dày, thúc đẩy hệ tiêu hoá hoạt động tốt hơn. Tóm lại, nếu bổ sung kẽm đúng cách thì hệ tiêu hoá của trẻ sẽ được hỗ trợ tốt, thậm chí ngăn ngừa nguy cơ con bị táo bón.

Tuy nhiên, uống kẽm chỉ hỗ trợ chứ không có khả năng điều trị dứt điểm táo bón. Bố mẹ hãy tìm hiểu kỹ nguyên nhân gây táo bón để tránh việc lạm dụng kẽm gây dư thừa khiến con bị phản tác dụng.

Tre Uong Kem Co BI Tao Bon Khong Can Co Nhung Luu Y Gi Khi Bo Sung Kem Cho Be 2 Ed3d7b6132

Trẻ uống kẽm có bị táo bón không là thắc mắc của nhiều bậc cha mẹ

Lưu ý khi bổ sung kẽm cho bé

Bên cạnh thắc mắc trẻ uống kẽm có bị táo bón không thì phụ huynh cũng cần quan tâm đến liều lượng và thời điểm uống kẽm của con. Nếu bổ sung dư thừa, các con sẽ đối mặt với nhiều tác dụng phụ, trong đó có hiện tượng táo bón. Dưới đây là những điều mẹ cần lưu ý để con nhận được tối đa các lợi ích từ kẽm mà vẫn an toàn cho sức khỏe:

Cho con bổ sung kẽm đúng liều lượng

Nhu cầu kẽm của cơ thể được xác định dựa theo giới tính, độ tuổi và tình trạng sinh lý. Viện dinh dưỡng quốc gia đã khuyến cáo hàm lượng kẽm mà trẻ cần bổ sung như sau:

  • Dưới 6 tháng tuổi: Bổ sung mỗi ngày 2mg.
  • 7 - 12 tháng tuổi: Mỗi ngày 3mg.
  • 4 - 8 tuổi: Mỗi ngày 5mg.
  • 9 - 13 tuổi: Mỗi ngày 8mg.
  • 14 tuổi trở lên: Mỗi ngày 14mg đối với nam và 9mg đối với nữ.

Ở các bé dưới 6 tháng tuổi, nguồn cung cấp kẽm tuyệt vời là sữa mẹ. Trong thời gian cho con bú, các mẹ hãy ăn nhiều thực phẩm giàu nhiều kẽm nhằm đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho cả bản thân và con yêu. 

Ở những bé bắt đầu ăn dặm, mẹ hãy xây dựng chế độ ăn hàng ngày để bổ sung kẽm cho các con. Thịt đỏ, sò, hến, cua, hàu, ngũ cốc nguyên hạt, trứng, rau xanh… là các thực phẩm chứa nguồn chất kẽm dồi dào.

Tre Uong Kem Co BI Tao Bon Khong Luu Y Khi Bo Sung Kem Cho Be 3 19ffa22c8f

Cần bổ sung thực phẩm nhiều kẽm để giúp bé phát triển ổn định

Uống kẽm vào thời điểm thích hợp

Thời điểm uống kẽm thích hợp sẽ giúp cơ thể trẻ tăng cường hấp thu, nâng cao hiệu quả tối đa. Các chuyên gia cho biết, bạn hãy cho bé uống kẽm sau khi ăn 30 phút. Trẻ nên được uống kẽm trong 2 tuần rồi ngưng một khoảng thời gian để cơ thể hấp thụ hết và lượng kẽm trong cơ thể không bị dư thừa.

Một lời khuyên là các mẹ hãy chọn kẽm dạng nước để bổ sung cho trẻ thay vì dạng viên giống người trưởng thành. Ngoài ra, uống kẽm và vitamin C cùng lúc giúp thúc đẩy quá trình hấp thu dưỡng chất, hỗ trợ trẻ tăng trưởng và phát triển toàn diện.

Biện pháp khắc phục táo bón cho trẻ uống kẽm

Nếu con bổ sung kẽm dư thừa dẫn đến táo bón, phụ huynh hãy thực hiện các biện pháp sau:

  • Kiểm tra lại liều lượng kẽm cho bé uống đã đúng và đủ chưa. Điều quan trọng là bố mẹ hãy tuân thủ đúng theo liều lượng đã được chỉ định, không nên tự ý tăng hoặc giảm cho trẻ.
  • Chú ý khẩu phần dinh dưỡng hàng ngày của bé, ưu tiên các thực phẩm có thành phần giàu chất xơ, tính mát, nhiều năng lượng như bưởi, đu đủ, chuối…
  • Đưa bé đi khám để được bác sĩ kiểm tra, tránh tự ý mua thuốc uống hoặc điều trị tại nhà.
  • Áp dụng các mẹo nhỏ như ngâm hậu môn, massage bụng, tắm bằng nước ấm, bổ sung nước… nhằm làm giảm triệu chứng táo bón hiệu quả.

Tre Uong Kem Co BI Tao Bon Khong Luu Y Khi Bo Sung Kem Cho Be 4 A0cefcc9ae

Trẻ bị táo bón khi uống kẽm cần được bác sĩ thăm khám để tìm cách xử trí

Mong rằng những chia sẻ trên đã giúp phụ huynh có được lời giải đáp chi tiết cho thắc mắc trẻ uống kẽm có bị táo bón không. Ngoài việc uống kẽm, bạn cũng đừng quên xây dựng chế độ dinh dưỡng với các thực phẩm có thành phần nhiều kẽm. Bố mẹ hãy trang bị đầy đủ kiến thức để bổ sung kẽm đúng cách cho bé nhé!